> vietnamese > Tin tức > Quảng Tây > Trung tâm hội viên
Chuyến tàu chậm công ích trải con đường hạnh phúc cho người dân tộc Ngạc Ôn Khắc
 Mới nhất:2021-02-19 18:12:21   Số lần đã xem:0 Nguồn gốc:CRI

Xã Ngao Lỗ Cổ Nhã, thành phố Căn Hà, khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc là nơi tập trung sinh sống người dân tộc Ngạc Ôn Khắc, dân tộc thiểu số đời đời lấy nuôi dưỡng tuần lộc làm kế sinh nhai. Năm 2003, nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, dân tộc Ngạc Ôn Khắc ở xã Ngao Lỗ Cổ Nhã được di dời từ trên núi đến thành phố Căn Hà tái định cư, để lại tuần lộc trên núi. Chuyến tàu chậm công ích trở thành phương tiện chủ yếu của người dân tộc Ngạc Ôn Khắc đi lại giữa thành phố và núi sâu, hơn nữa đã gửi gắm nỗi nhớ và tình cảm của người dân tộc Ngạc Ôn Khắc dành cho tuần lộc cũng như văn hóa cổ truyền của dân tộc mình.

Dân chăn nuôi tuần lộc dân tộc Ngạc Ôn Khắc Bố Đông Hà đang nuôi dưỡng hàng chục con tuần lộc trên vùng núi sâu xã Ngao Lỗ Cổ Nhã. Mùa Hè, những con tuần lộc này được đưa đến các điểm du lịch ở xã Ngao Lỗ Cổ Nhã. Dựa vào các dự án du lịch liên quan đến tuần lộc cũng như bán sản phẩm sữa tuần lộc và đồ trang sức mang đặc sắc dân tộc, thu nhập một năm của Bố Đông Hà rất khả quan, cuộc sống gia đình ngày một tốt lên.

Trước đây, dân tộc Ngạc Ôn Khắc là dân tộc săn bắn, đời đời sống trong rừng trên vùng núi sâu, lấy nuôi dưỡng tuần lộc làm kế sinh nhai. Bố Đông Hà nói:

“Người dân tộc Ngạc Ôn Khắc chúng tôi quanh năm sống trên núi, từ trước tới nay đều nuôi dưỡng tuần lộc, tuần lộc là người bạn, càng là người nhà của người Ngạc Ôn Khắc chúng tôi”.

Năm 2003, theo chính sách di dời tái định cư để bảo vệ môi trường sinh thái của địa phương, cả dân tộc Ngạc Ôn Khắc sống ở xã Ngao Lỗ Cổ Nhã được di dời đến thành phố Căn Hà tái định cư. Mùa Đông, tuần lộc cần phải nuôi thả và sống trong rừng, vì vậy, họ đành phải để lại tuần lộc trên núi. Gia đình Tát Oa cũng để lại hàng chục con tuần lộc trên núi, nhằm tiện cho việc chăm sóc tuần lộc, người nhà đôi khi cũng dựng lều sống trên núi. Cứ có thời gian là Tát Oa sẽ ngồi tàu lên núi thăm người nhà và tuần lộc của bà. Tết Nguyên đán năm nay, Tát Oa mang theo đồ dùng sinh hoạt và thức ăn của tuần lộc, đến nhà ga chuẩn bị đáp tàu lên núi.

“Khoảng 1 giờ chiều, chuyến tàu chạy đến Mãn Quy vừa vặn dừng ở ga Căn Hà. Tôi có mua cho mình quần áo mới, còn có bánh bao vừa làm, lên núi thăm tuần lộc của tôi, đưa đồ ăn cho người nhà trên núi”.

Chuyến tàu mà Tát Oa sẽ ngồi là chuyến tàu 4184 từ Hải La Nhĩ chạy đến Mãn Quy, Nội Mông. Chuyến tàu này khởi hành từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, là chuyến tàu chậm công ích với giá vé thấp nhất chỉ 1 Nhân dân tệ, luôn phục vụ người dân sinh sống trên núi Đại Hưng An Lĩnh trong hơn 20 năm qua. Người phụ trách Ga Căn Hà Từ Cường nói:

“Rất nhiều bà con dân tộc Ngạc Ôn Khắc sống tại một số thị trấn và xã ở dưới Căn Hà, khám chữa bệnh và mua đồ đều phải đến Căn Hà, nhằm tạo môi trường ngồi tàu ấm áp và thoải mái cho họ, nhà ga đã kéo dài thời gian đợi tàu đến 5 tiếng đồng hồ”.

Nhằm tạo thuận tiện cho sự đi lại của hành khách dân tộc Ngạc Ôn Khắc, cơ quan đường sắt còn thiết lập phương thức liên lạc với hành khách dân tộc Ngạc Ôn Khắc tại các nhà ga, ngày thường tra thời gian chạy tàu và địa điểm chuyển tàu cho hành khách, giúp họ đặt trước vé tàu, mang hộ thuốc và đồ dùng sinh hoạt, dốc hết sức đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách Ngạc Ôn Khắc.

Đối với người dân tộc Ngạc Ôn Khắc mà nói, chuyến tàu chậm công ích này không những là phương tiện chủ yếu đi lại giữa vùng núi và thành phố, mà còn gửi gắm nỗi nhớ và tình cảm dành cho văn hóa cổ truyền của dân tộc mình.

Bài văn liên quan

Hot Phát biểu bình luận