> vietnamese > TQ-ASEAN > ASEAN > Trung tâm hội viên
Nhân sĩ các giới Việt Nam tưởng nhớ Viện sĩ Trung Quốc Viên Long Bình bằng nhiều hình thức
 Mới nhất:2021-05-26 17:33:08   Số lần đã xem:0 Nguồn gốc:CRI

Ngày 24/5, tại thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc đã diễn ra lễ tang Viện sĩ Viên Long Bình, “cha đẻ lúa lai” Trung Quốc, nhân sĩ các giới Việt Nam đồng loạt tưởng nhớ Viện sĩ Viên Long Bình bằng nhiều hình thức. Truyền thông Việt Nam đăng tin bài giới thiệu tường tận câu chuyện sinh thời của Viện sĩ Viên Long Bình.

Viện sĩ Viên Long Bình giao lưu mật thiết với giới nông nghiệp Việt Nam, nhiều người từng tiếp xúc Viện sĩ Viên Long Bình đều nhớ lại rằng, đoàn đại biểu do Viện sĩ Viên Long Bình dẫn đầu tới thăm Việt Nam năm xưa đã mang lại hy vọng cho sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam. Những năm đầu 1990, các nông dân dọc tuyến biên giới của Việt Nam là những người được tiếp cận và gieo trồng lúa ưu thế lai từ Trung Quốc thông qua con đường trao đổi, giao lưu nhân dân. Các ruộng lúa lai tạo nên sự ngỡ ngàng của không chỉ nông dân mà cả các cán bộ trồng trọt. Nhận ra thực tiễn đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam lúc đó, ông Nguyễn Công Tạn đã tức tốc chỉ đạo toàn ngành nông nghiệp tiếp cận nhanh với công nghệ lúa lai, mời các chuyên gia Trung Quốc sang giúp đỡ Việt Nam công nghệ sản xuất hạt lai F1.

Thay mặt nhiều nhân sĩ nổi tiếng trong giới nông nghiệp Việt Nam gồm Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Bá Bổng - nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giáo sư Nguyễn Văn Bộ - nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam; Tiến sĩ Lê Hưng Quốc - nguyên Cục trưởng Cục Khuyến nông Việt Nam; ông Quách Ngọc Ân - nguyên Cục phó Cục Khuyến nông Việt Nam, người trực tiếp chỉ đạo phát triển lúa lai ở Việt Nam đầu những năm 1990; ông Trần Xuân Định - nguyên Cục phó Cục Trồng trọt Việt Nam; Tiến sĩ Lê Hùng Phong - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu lúa lai; các giáo sư Nguyễn Văn Hoan, Nguyễn Thị Trâm ở Học viện Nông nghiệp Quốc gia Việt Nam…, Phó Tổng Biên tập “Báo Nông nghiệp” Việt Nam Trần Cao gửi thư thăm hỏi, gửi lời chia buồn sâu sắc và tưởng nhớ Viện sĩ Viên Long Bình.

Trong thư, ông Trần Cao viết, Viện sĩ Viên Long Bình đã đặt nền tảng vững chắc cho nghiên cứu và nhân rộng kỹ thuật lúa lai ở Việt Nam. Sau khi các chuyên gia Trung Quốc sang giúp Việt Nam công nghệ sản xuất hạt lai F1, lúa lai nhanh chóng “phủ sóng” các tỉnh phía Bắc Việt Nam với diện tích gần 1 triệu ha. Việt Nam cũng bắt đầu làm chủ được công nghệ sản xuất hạt lai F1, kể cả hai dòng và ba dòng. Nhiều vùng khó khăn trên các ruộng bậc thang miền núi, vùng ngập lụt, nhiễm mặn ven biển, vùng khô hạn, lúa lai phát huy ưu điểm tính chống chịu rất cao, năng suất vượt lúa thuần 20-30%, trở thành cứu cánh, lập tức giải quyết lương thực cho nhiều vùng miền Bắc Việt Nam lúc đó còn khó khăn, giống cũ, năng suất rất thấp.

Ông Trần Cao cho biết, công tác mang tính đột phá của Viện sĩ Viên Long Bình trong lĩnh vực lúa lai có năng suất cao đã giúp khu vực miền Bắc Việt Nam lúc đó giải quyết vấn đề đói nghèo. Được lợi từ việc nhân rộng và gieo trồng lúa lai, sản lượng và chất lượng của lúa Việt Nam cũng ngày càng được nâng cao. Năm 2002, Viện sĩ Viên Long Bình đến Hà Nội, Việt Nam tham dự Hội nghị Quốc tế về lúa lai lần thứ 4 và được Chính phủ Việt Nam trao huân chương danh dự “Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam”.

Ông Trần Cao viết: “Thêm một miếng cơm, cứu một cái đói, ai dễ gì quên được”,sự ra đi của cha đẻ lúa lai, Viện sĩ Viên Long Bình đã để lại biết bao xúc động, nhất là những nhà nông nghiệp Việt Nam thế hệ đầu tiên tiếp cận với công nghệ lúa lai.

Sau khi Viện sĩ Viên Long Bình qua đời, các báo điện tử Việt Nam gồm vnexpress.net, “Báo Tin tức”, “Báo Nông nghiệp” đồng loạt đăng bài giới thiệu tường tận câu chuyện sinh thời của Viện sĩ Viên Long Bình. Báo Điện tử vnexpress.net đăng bài nhan đề “Cha đẻ' lúa lai thế giới qua đời”; “Báo Nông nghiệp” Việt Nam cũng đăng loạt bài gồm  “Thông điệp của cha đẻ lúa lai - Giáo sư, Viện sĩ Viên Long Bình”, nhìn lại sự nghiệp lúa lai của Viện sĩ Viên Long Bình.

Nhiều cư dân mạng Việt Nam viết bình luận bày tỏ cảm ơn và tưởng nhớ Viện sĩ Viên Long Bình.

Bạn có nickname Taavi Vu viết, vĩnh biệt cha đẻ của lúa lai trên thế giới.

Bạn Dolekim viết, ông Viên Long Bình đúng là một nhà khoa học nông nghiệp phi thường của Trung Quốc và thế giới, thật thương tiếc ông!

Bạn Nguyenphuvu1602 viết, cảm ơn ông vì những đóng góp cho an ninh lương thực thế giới. Mong ông an giấc ngàn thu.

Bài văn liên quan

Hot Phát biểu bình luận