> vietnamese > Tin tức > Quảng Tây > Trung tâm hội viên
Trên cao nguyên có một chàng trai Tây Tạng biết hát những bài hát tiếng Việt
 Mới nhất:2022-04-11 17:58:19   Số lần đã xem:0 Nguồn gốc:cri

Năm 2018, Trát Tây Đốn Châu, một chàng trai dân tộc Tây Tạng đã trình bày bài dân ca kinh điển "Bèo dạt mây trôi" của Việt Nam, khiến mọi người vô cùng kinh ngạc. Đó là buổi lễ kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc - ASEAN, Trát Tây Đốn Châu hát tặng nhà lãnh đạo và các vị khách quý đến từ Việt Nam. Trình bày tốt một bài hát dân ca Việt Nam là điều không dễ dàng đối với một chàng trai dân tộc Tây Tạng. Trát Tây Đốn Châu cho biết: "Nhóm đạo diễn chương trình đã đặc biệt bố trí cho tôi hát bài này. Các thầy cô dạy ngoại ngữ nói với tôi rằng, bài hát khó nhất đã được giao cho tôi. Tôi rất lo lắng, vì sợ các vị khách quý nghe thấy rất lạ, tôi đã phải bỏ nhiều công sức mới hoàn thành phần biểu diễn. Lúc đó các vị lãnh đạo ngồi rất gần, cuối cùng thì tôi cũng hoàn thành một cách xuất sắc, tôi rất vui."

Quê hương của anh Trát Tây Đốn Châu là Shangri-La. Trong tiếng Tây Tạng, " Trát Tây " có nghĩa là tốt lành, còn " Đốn Châu " có nghĩa là hạnh phúc. Giống như tên của mình,  Trát Tây Đốn Châu tự nhận mình là một người rất hạnh phúc. Ông bà của Trát Tây Đốn Châu hoàn toàn không biết nói tiếng phổ thông Trung Quốc, vì vậy Trát Tây Đốn Châu từ nhỏ đã có thể giao tiếp thành thạo bằng tiếng Tây Tạng và tiếng phổ thông Trung Quốc. Trát Tây Đốn Châu cho biết,“Ông bà của tôi là nông dân địa phương, ông tôi cả đời theo đoàn ngựa thồ tại Trà Mã cổ đạo. Bà tôi là đội trưởng đội sản xuất, người làm việc năng suất nhất trên cánh đồng. Cha tôi là một giáo viên trong làng, mẹ tôi cũng đến từ vùng nông thôn,  xã Biệt Ngũ, thị trấn Dương La, huyện Đức Khâm, tỉnh Vân Nam, nơi chỉ có 11 hộ gia đình. Bố mẹ đều từ nông thôn lên thành phố, theo đuổi ước mơ của mình.

Anh nhớ rõ khi còn nhỏ, anh cùng cha mẹ phải đi bộ ba ngày từ huyện Đức Khâm về làng, sau đó, mẹ Trát Tây Đốn Châu huy động vốn để xây dựng một con đường nhỏ trên núi mà máy kéo có thể đi qua, được gọi là "Đường Đa Mỹ", đó là tên gọi ở nhà hồi bé của mẹ anh. Sau đó, có một con đường bộ đi tận đến cửa nhà anh. Cho đến nay, tất cả 11 gia đình của xã Biệt Ngũ đã chuyển đến Shangri-La và sinh sống tại huyện lị. Trước đây, mẹ Trát Tây Đốn Châu đi học ở Thượng Hải, từ Thượng Hải đến Côn Minh rồi trở về huyện Đức Khâm, phải mất 16, 17 ngày, sau đó phải đi đường núi ba ngày nữa, mất gần nửa  kỳ nghỉ nên bà chỉ có thể ở nhà vài ngày rồi lại phải quay về trường. Giờ Trát Tây Đốn Châu về quê, từ Bắc Kinh đến Shangri-La chỉ mất 5 tiếng đồng hồ. Trát Tây Đốn Châu cho biết: “Những thay đổi này là những gì tôi tận mắt chứng kiến và cảm nhận, khi tôi còn nhỏ, Shangri-La không có đường bộ, sau đó có đường núi, bây giờ có đường cao tốc và sân bay, tất cả những thay đổi ở quê hương tôi là điều không thể tưởng tượng được. ”

Vì là người Tây Tạng, sau khi thi đỗ Học viện Âm nhạc Thượng Hải, Trát Tây Đốn Châu cảm thấy mình phải có trách nhiệm hơn những người làm công tác văn học nghệ thuật khác. Trát Tây Đốn Châu cho biết, khi đi học tại Thượng Hải, anh có nguyện vọng là sẽ làm hết sức mình để truyền thừa và tôn vinh văn hoá dân tộc Tây Tạng thông qua các nền tảng, đặc biệt để càng nhiều bạn trẻ yêu thích hơn. Trong những năm qua, Trát Tây Đốn Châu luôn nỗ lực hòa nhập và đổi mới âm nhạc đương đại và các bài hát dân ca truyền thống, đồng thời anh cũng không ngừng học hỏi âm nhạc kinh điển của các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Kể từ khi trở thành một người làm công tác văn hóa và nghệ thuật, rất nhiều người yêu thích Trát Tây Đốn Châu và các tác phẩm của anh, muốn tìm hiểu về văn hoá dân tộc Tây Tạng, điều này khiến Trát Tây Đốn Châu cảm nhận được một ý nghĩa khác trong công việc của mình. Hiện nay, Trát Tây Đốn Châu đã trở thành đại sứ du lịch của Shangri-La, anh cũng mong muốn có nhiều người biết về những thay đổi ở Tây Tạng hơn.

Những tình  cảm sâu sắc của quần chúng khiến Trát Tây Đốn Châu cống hiến hết sức mình bằng những tác phẩm tốt nhất. Những năm gần đây, Trát Tây Đốn Châu đã kết hợp các phong cách hát tiếng Tây Tạng, tiếng Hán và RAP, đưa bài hát "Ánh Nắng" tràn đầy năng lượng tích cực vang vọng khắp Trung Quốc, đến mọi thôn làng. Năm 2015, Trát Tây Đốn Châu đã được trao "Giải thưởng đóng góp đặc biệt trong việc truyền thừa âm nhạc Tây Tạng, Trung Quốc", hiện nay anh cũng đang nỗ lực giới thiệu âm nhạc Tây Tạng đến với người nghe ở khắp thế giới. Anh nói: “Tôi hy vọng có nhiều người hiểu biết âm nhạc và văn hóa dân tộc Tây Tạng hơn, đồng thời tôi cũng mong muốn giới thiệu văn hóa các dân tộc khác nhau của Trung Quốc với các bạn. Sau khi dịch Covid-19 lắng dịu, hoan nghênh nhiều bạn bè nước ngoài đến Trung Quốc hơn. Mong các bạn đến vùng đất Tây Tạng của chúng tôi, như Shangri-La tươi đẹp, đến Tây Tạng, Thanh Hải và Tứ Xuyên để tìm hiểu về cuộc sống của chúng tôi.”

Bài văn liên quan

Hot Phát biểu bình luận