> vietnamese > TQ-ASEAN > ASEAN > Trung tâm hội viên
Giao lưu nhân dân - Sợi chỉ đỏ gắn kết quan hệ Việt - Trung
 Mới nhất:2023-03-14 17:49:05   Số lần đã xem:0 Nguồn gốc:CRI

Những năm gần đây, hoạt động ngoại giao nhân dân giữa Việt Nam và Trung Quốc diễn ra ngày càng nhộn nhịp, là nền tảng quan trọng tạo nên hiểu biết lẫn nhau, làm sâu sắc tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Ông Nguyễn Vinh Quang, nhà ngoại giao kỳ cựu, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề Trung Quốc hàng đầu của Việt Nam cho rằng, giao lưu nhân dân Việt – Trung đã có từ ngàn năm nay, xuyên suốt lịch sử là sợi chỉ đỏ gắn kết quan hệ hai nước.

Suốt 45 năm gắn bó với công tác nghiên cứu Trung Quốc, ông Nguyễn Vinh Quang đã có kinh nghiệm ở cả 3 lĩnh vực đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân. Ông từng là Vụ trưởng Vụ Trung Quốc – Đông Bắc Á, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, là Công sứ - Phó Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, và hiện đang là Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Trung.

Chia sẻ với Đài chúng tôi, ông Nguyễn Vinh Quang cho biết: “Là người đã may mắn được hoạt động trên cả 3 kênh quan hệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân, tôi cảm thấy ngoại giao nhân dân đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quan hệ Việt – Trung”.

Theo vị chuyên gia, mối quan hệ giữa hai nhà nước Việt Nam và Trung Quốc có từ năm 1950, đến nay là 73 năm. Quan hệ 2 Đảng  Đảnggiữa những người cộng sản Việt Nam và cộng sản Trung Quốc đến nay đã được hơn 100 năm. Nhưng nếu nói về quan hệ nhân dân, đó là mối quan hệ hàng ngàn năm và xa hơn thế nữa.

Theo ông Nguyễn Vinh Quang, ngoại giao nhân dân giữa Việt Nam và Trung Quốc rất đặc biệt, không giống với các nước khác. Hai nước chúng ta có chung 1.400 km đường biên giới, núi liền núi sông liền sông. Suốt mấy nghìn năm nay hai dân tộc đã đi lại, đã buôn bán, đã giao lưu vì cuộc sống, tạo nên mối quan hệ vô cùng chặt chẽ. Đặc biệt nếu nói về văn hoá 2 nước, có lẽ có nhiều điểm tương đồng nhất trên thế giới. Đây là cơ sở vững chắc để vun đắp tình hữu nghị.

“Có những cách nói, tư duy của người Trung Quốc khiến người phương Tây không hiểu hoặc khó hiểu, nhưng người Việt Nam nghe thấy là hiểu ngay. Hoặc những tập quán của người Việt Nam, người Trung Quốc không lấy làm lạ. Đó là nhờ sự giao thoa văn hoá, ảnh hưởng lẫn nhau giữa hai dân tộc.Những câu chuyện, những điển tích trong văn học nghệ thuật, trong văn hoá đại chúng 2 nước rất nhiều điểm tương đồng, không nhiều khác biệt. Tình hữu nghị giữa nhân dân 2 nước cũng sâu sắc hơn là vì thế”, nhà ngoại giao chỉ ra.

Ông Nguyễn Vinh Quang cho rằng, quan hệ hữu nghị phải được xây dựng trên cơ sở hiểu biết lẫn nhau, nếu nhân dân 2 nước không hiểu biết lẫn nhau thì khó có thể xây dựng hữu nghị bền chặt được. Trên thế giới có một số dân tộc xung đột với nhau cũng xuất phát từ tôn giáo, từ truyền thống văn hóa, từ quan niệm giá trị. Họ không hiểu nhau, khó thông cảm cho nhau.

“Tôi lấy một ví dụ, sau khi xem một số bộ phim truyền hình Trung Quốc, người Việt Nam cảm thấy đồng cảm với người Trung Quốc. Tự người dân cảm thấy như vậy do sự gần gũi về văn hoá, tập quán, lối sống, cách tư duy, không phải do nhà ngoại giao nào chỉ đạo họ. Ngoại giao nhân dân giữa Trung Quốc và Việt Nam “đậm” hơn các nước khác nhờ sự gần gũi đó,” vị chuyên gia nói.

Ông Nguyễn Vinh Quang cũng cho rằng, trong 3 kênh ngoại giao đã nói, ngoại giao nhân dân là cũng mang đậm tính “sáng tạo” hơn. Vì đó là những giải pháp, những hoạt động do quần chúng nhân dân nghĩ ra, sáng tạo ra, không bị gò bó về quy mô, thời gian hay cách thức, không câu nệ về nghi lễ nhiều. Chỉ cần không đi ngược lại chủ trương chính sách của các nhà lãnh đạo là được.

Những năm gần đây, hoạt động ngoại giao nhân dân giữa 2 nước ngày càng nhộn nhịp hơn. Năm 1991, hai nước bình thường hoá quan hệ. Dưới sự lãnh đạo của 2 Đảng, 2 dân tộc chúng ta lan toả tinh thần “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, hợp tác vì lợi ích của nhân dân 2 nước. Ngoại giao Đảng, ngoại giao Nhà nước tạo mọi điều kiện thúc đẩy ngoại giao nhân dân. Ngược lại, chính ngoại giao nhân dân giúp làm sâu sắc hơn 2 kênh ngoại giao trước đó. Bước vào thế kỷ 21, quan hệ Việt -Trung được lãnh đạo 2 phía định hướng chỉ đạo theo phương châm 16 chữ “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”, với tinh thần 4 tốt “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Đó là định hướng và là mục tiêu phấn đấu của cả hai bên, chưa tốt thì phải phấn đấu làm cho tốt, các hoạt động ngoại giao nhân dân cũng đều hướng tới các mục tiêu này. Đến năm 2008, lãnh đạo hai bên nhất trí xác lập khuôn khổ quan hệ Việt Nam-Trung Quốc là Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Đó là điều kiện để ngoại giao nhân dân phát triển, để người dân 2 nước sáng tạo trong các hoạt động giao lưu.

Mấy chục năm gần đây, có rất nhiều hoạt động giao lưu nhân dân hiệu quả được tổ chức đều đặn. Một ví dụ nổi bật đó là Diễn đàn Nhân dân Việt - Trung thường niên do Hội hữu nghị 2 phía đứng ra chủ trì. Đến nay, diễn đàn đã tổ chức được 11 lần, dự kiến năm nay sẽ diễn ra lần thứ 12 tại Trung Quốc.

Các địa phương, các tổ chức khác cũng có rất nhiều hoạt động giao lưu ý nghĩa như giữa nhân dân các tỉnh biên giới, giữa quân đội hai nước, giữa thanh niên hai nước... Ông Nguyễn Vinh Quang chia sẻ, ông ấn tượng nhất với hoạt động giao lưu nhân dân biên giới kết hợp với “Du lịch đỏ - theo dấu chân Bác Hồ”tại Quảng Tây năm 2015 nhân dịp 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc. Quảng Tây là địa bàn hoạt động rất lâu năm của Bác Hồ, là nơi Bác đã đưa ra rất nhiều quyết định quan trọng cho cách mạng Việt Nam. Cũng ở đó Người đã sống và gắn bó với nhân dân Trung Quốc, được người dân Quảng Tây yêu thương, giúp đỡ. Rất nhiều cơ sở đã được chính quyền Quảng Tây lập nên và bảo tồn nguyên vẹn để tưởng niệm nhà lãnh đạo Việt Nam, cũng là lưu giữ những dấu ấn lịch sử quan hệ hai Đảng, giới thiệu cho khách du lịch trong ngoài nước tham quan. Ông Nguyễn Vinh Quang cho rằng, các thế hệ chúng ta sau này nên tổ chức những hoạt động như vậy cho những ai muốn tìm hiểu về quan hệ Việt – Trung trong lịch sử, về đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mối quan hệ hữu nghị lâu đời giữa 2 Đảng, 2 nước.

Sau khi Trung Quốc ưu hoá các biện pháp phòng dịch, hoạt động ngoại giao nhân dân Việt – Trung đang dần được phục hồi. Các cơ quan 2 phía như Mặt trận Tổ quốc Việt nam với Chính hiệp Trung Quốc, Hội Hữu nghị, Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ… đang nỗ lực để khởi động lại nhiều chương trình phải tạm ngừng suốt 2 năm qua vì đại dịch COVID-19.

“Chuyến thăm gần đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc thành công tốt đẹp, giải quyết được rất nhiều vấn đề, tạo không khí mới cho giao lưu hai bên. Tuyên bố chung của lãnh đạo 2 nước đã đề cập hầu hết các lĩnh vực hợp tác. Như vậy để người dân chúng ta thấy rằng quan hệ 2 nước đã hồi phục toàn diện sau đại dịch”, vị chuyên gia chỉ ra.

Là một người chứng kiến những giai đoạn thăng, trầm trong quan hệ hai nước Trung - Việt, rồi những biến động phức tạp của thế giới, ông Nguyễn Vinh Quang nhận thức rõ tầm quan trọng của việc củng cố quan hệ láng giềng hữu nghị giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước Việt-Trung.

“Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của Việt Nam, chúng ta đã nhận được sự giúp đỡ to lớn và hiệu quả của nhân dân các nước anh em, đặc biệt là nhân dân Trung Quốc. Tôi đã từng dẫn đoàn đại biểu của Hội Hữu nghị Việt - Trung, những đồng nghiệp làm công tác hữu nghị của Việt Nam tới thăm Trung Quốc – cũng là tới thăm lại một phần “hậu phương” xưa kia của Việt Nam, thăm bệnh viện Nam Khê Sơn ở Quế Lâm, nơi từng điều trị cho thương bệnh binh Việt nam thời chống Mỹ, thăm Khu học xá Trung ương của Việt Nam tại Trung Quốc, nơi từng đào tạo nhân tài của Việt nam, thăm nơi Bác Hồ từng sống và làm việc ở Quảng Tây, Trung Quốc. Càng đi họ càng thấu hiểu hơn mối tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước những lúc khó khăn gian khổ. Những trải nghiệm như vậy là điều kiện để lan tỏa tình cảm hữu nghị, tạo nên động lực để họ tích cực thúc đẩy tốt hơn công tác hữu nghị nhân dân hai nước,” ông Nguyễn Vinh Quang nói.