> vietnamese > Tin tức > Quảng Tây > Trung tâm hội viên
Xuất khẩu vải thiều - điểm sáng trong thương mại nông sản Trung-Việt
 Mới nhất:2022-07-20 18:02:23   Số lần đã xem:0 Nguồn gốc:cri

Bất chấp những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19 tới hoạt động kinh tế - thương mại thế giới nói chung, xuất khẩu vải thiều của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn đạt kết quả rất tích cực, là minh chứng cho quan hệ giao thương hiệu quả của hai nước láng giềng trong lĩnh vực hàng nông sản.

Trả lời phỏng vấn của Đài chúng tôi, ông Nguỵ Đình Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại, thuộc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang cho biết vụ mùa năm nay tiêu thụ vải thiềutại của tỉnh ở tất cả các thị trường trong và ngoài nước nói chung, tại thị trường Trung Quốc nói riêng diễn ra thuận lợi, vải được thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó với giá bán ổn định ở mức khá cao.

Tính đến hết ngày 11/7, sản lượng vải thiều đã tiêu thụ đạt trên 167.000 tấn, chiếm 93% tổng sản lượng dự kiến; trong đó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt trên 67.000 tấn, chiếm 40% sản lượng tiêu thụ.

Ông Nghĩa cho hay, những năm gần đây, nhiều chuỗi tiêu thụ vải thiều hiệu quả đã được hình thành với các đối tác là doanh nghiệp, nhà phân phối, thương nhân của nước bạn thường xuyên sang Việt Nam để khảo sát, giám sát thu mua.

Trung Quốc là thị trường truyền thống lâu năm của vải thiều Bắc Giang với sức mua lớn, sản lượng hàng năm từ khoảng 70.000 đến 80.000 tấn, chiếm trên 30% tổng sản lượng tiêu thụ và trên 90% sản lượng xuất khẩu. Với đặc trưng quả to, vỏ đỏ, hạt nhỏ, cùi dày, ngọt thơm, vải thiều Bắc Giang rất được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Trong số nhiều loại trái cây đang nhập khẩu từ Việt Nam, vải thiều Bắc Giang là nông sản khá nổi tiếng ở các tỉnh, thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Vân Nam…




Sản phẩm vải thiều Bắc Giang có đặc trưng quả to, vỏ đỏ, hạt nhỏ, cùi dày, vị ngọt thơm

Theo ông Nghĩa, hoạt động xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc cũng rất thuận lợi nhờ vị trí địa lý gần gũi của hai nước. Cụ thể, khoảng cách cung đường vận chuyển từ thủ phủ vải thiều của tỉnh là huyện Lục Ngạn sang Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc) chỉ mất 2 giờ, sang Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) chỉ mất khoảng 7 giờ.

Bên cạnh đó, hơn hai năm qua, dù đại dịch COVID-19 hoành hành gây khó khăn cho hoạt động giao thương xuất nhập khẩu, vải thiều Bắc Giang luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan hữu quan cả hai phía, trở thành điểm sáng trong giao thương nông sản giữa hai nước Trung - Việt.

Năm 2021, tuy Bắc Giang là tâm dịch COVID-19 của Việt Nam nhưng nhiều hoạt động giới thiệu, kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải vẫn được cơ quan chức năng hai nước tích cực phối hợp, tổ chức thành công. Kết thúc vụ mùa, sản lượng vải xuất sang Trung Quốc năm 2021 đạt khoảng 85.000 tấn, chiếm trên 94% lượng vải xuất khẩu của toàn tỉnh.

Năm 2022, phía Trung Quốc tiếp tục cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để Bắc Giang xuất khẩu vải thiều sang thị trường này. Các giải pháp hỗ trợ bao gồm tạo “luồng xanh” ưu tiên, tăng giờ thông quan, bố trí bãi đỗ xe riêng, chuẩn bị đủ số lượng đầu xe để nhanh chóng kéo hàng từ Việt Nam sang Trung Quốc trong thời gian nhanh nhất,… giúp giữ chất lượng sản phẩm tốt nhất, tươi ngon nhất.

Nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường Trung Quốc về chất lượng quả vải, tại các vùng trồng được cấp mã số, cán bộ kiểm dịch thực vật, cán bộ nông nghiệp từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên tư vấn, hướng dẫn ứng dụng khoa học kỹ thuật, quy trình chăm sóc, sử dụng vật tư nông nghiệp an toàn, kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ông Nghĩa thông tin.

Bắc Giang hiện có 149 vùng trồng với diện tích hơn 15.000 ha (chiếm 56,4% tổng diện tích vải thiều) được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng tốt, cùng với 300 cơ sở đóng gói đáp ứng quy định xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Về phòng chống dịch COVID-19, chính quyền và các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang cũng thường xuyên theo dõi, giám sát các vùng trồng, cơ sở sản xuất, đóng gói, đơn vị vận chuyển, bốc xếp… và yêu cầu khử khuẩn nghiêm ngặt để bảo đảm không tồn tại mầm bệnh trong toàn bộ quá trình sản xuất và chuyên chở hàng hóa từ nơi sản xuất lên đến cửa khẩu và cho đến khi xuất sang Trung Quốc.

Bài văn liên quan

Hot Phát biểu bình luận