> vietnamese > TQ-ASEAN > ASEAN > Trung tâm hội viên
Chiến lược chấn hưng nông thôn Trung Quốc: Giàu tính gợi mở cho Việt Nam
 Mới nhất:2023-05-15 18:22:18   Số lần đã xem:0 Nguồn gốc:CRI

Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng trong quá trình phát triển kinh tế, đặc biệt là việc giải quyết vấn đề tam nông nói chung, phát triển nông nghiệp, nông thôn nói riêng do đều có xuất phát điểm là nước nông nghiệp lâu đời. Chính vì vậy mà các chính sách của mỗi nước đều mang tính tham khảo với nước còn lại, được giới học giả cả hai bên quan tâm nghiên cứu.

Về vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Giang – công tác tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, chiến lược chấn hưng nông thôn của Trung Quốc đưa đến rất nhiều gợi mở cho công tác xây dựng nông thôn mới của Việt Nam.

Trải qua 5 năm đầu triển khai thực hiện chiến lược này, kinh tế khu vực nông thôn Trung Quốc đã có bước phát triển lớn, đời sống người dân được cải thiện đáng kể. Theo số liệu thống kê sơ bộ, tính đến cuối năm 2021, có rất nhiều chỉ số đạt hoặc vượt chỉ tiêu so với Quy hoạch chiến lược chấn hưng nông thôn giai đoạn 2018-2022, như chỉ tiêu về năng lực sản xuất tổng hợp lương thực, tỷ lệ đóng góp của tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, một số chỉ tiêu về xây dựng sinh thái, cải thiện đời sống dân sinh,… nhờ đó rút ngắn dần chênh lệch thu nhập thành thị - nông thôn.

\

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Giang – công tác tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Một kết quả khác rất cần được nhắc tới là việc Trung Quốc đã hoàn thành thành công cuộc chiến chống đói nghèo. Từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình xác định nhiệm vụ xóa đói nghèo là một trong các ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc. Năm 2017, cuộc chiến chống đói nghèo được Trung Quốc xác định là một trong ba “trận đánh công kiên” trên con đường thực hiện mục tiêu xây dựng thành công xã hội khá giả toàn diện được hoàn thành vào năm 2020. Trong lịch sử dài lâu của mình, Trung Quốc chủ yếu là một nước nông nghiệp, nên vùng nông thôn được xem là xương sống cho sự phát triển tổng thể của đất nước. Vào năm 1949, đa số người dân Trung Quốc sống dưới ngưỡng nghèo. Vì thế cuộc chiến chống đói nghèo đã trải qua hành trình nhiều thập kỷ ở Trung Quốc, nhưng phải nhấn mạnh cuộc chiến này đạt được thành tựu bứt phá trong nhiệm kỳ Đại hội XIX cùng với việc thực hiện chiến lược chấn hưng nông thôn.

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Giang cho rằng, kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc chế định kế hoạch, hoạch định chính sách một cách tổng thể, phát huy tối đa vai trò của Chính phủ là rất đáng tham khảo cho Việt Nam.

    “Mục tiêu then chốt của chiến lược chấn hưng hương thôn ở Trung Quốc là xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, xây dựng xã hội nông thôn phát triển, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, đem lại lợi ích cho đông đảo nông dân. Khi đề xuất thực thi chiến lược này, Đảng và chính phủ Trung Quốc đã nhanh chóng chế định và ban hành các văn kiện chỉ đạo cũng như xây dựng quy hoạch chi tiết trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để triển khai thực hiện nhiều chính sách liên quan, gắn với từng thời gian, lĩnh vực và công việc nhất định. Có thể nói công tác lập pháp về nông nghiệp, hoàn thiện hệ thống pháp luật, pháp quy về nông nghiệp, nông thôn luôn là yếu tố quyết định đến thành bại của công cuộc phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân của Trung Quốc,” vị học giả làm rõ.

Gần đây, vào tháng 6/2022, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết này được ban hành thay thế cho bản Nghị quyết số 26-NQ/TW năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn sau gần 15 năm thực hiện. Điều này cho thấy, cũng giống như Trung Quốc, vấn đề tam nông luôn được xem là một nội dung rất quan trọng trong chương trình nghị sự của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Trong bản Nghị quyết mới ban hành lần này, có thể thấy rõ, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đặc biệt đề cao đến vai trò chủ thể của nông dân.

“Theo kinh nghiệm từ nghiên cứu vấn đề tam nông của Trung Quốc, chỉ khi nhà nước có chính sách ưu đãi đặc biệt đối với nông dân, coi nông dân là hạt nhân trong giải quyết vấn đề tam nông thì mới có thể giải quyết căn bản vấn đề tam nông. Hiện nay, thu nhập của đại đa số nông dân Việt Nam còn thấp, do thu nhập của họ chủ yếu dựa vào nông nghiệp thuần túy. Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc thực hiện các biện pháp để giúp người dân nông thôn có được nhiều nguồn thu thông qua việc tăng cường đổi mới khoa học - kỹ thuật, áp dụng các mô hình canh tác, kinh doanh kiểu mới trong nông nghiệp, hay ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin và tiến bộ khoa học để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp số, nông nghiệp thông minh...,” thạc sĩ Nguyễn Thanh Giang chỉ ra.

Theo nữ học giả, ở khía cạnh này, Trung Quốc đã có rất nhiều mô hình cụ thể được triển khai thí điểm với các mô hình nông nghiệp hiện đại có quy mô lớn, có mức độ tự động hóa cao trong sản xuất, giúp nâng cao sản lượng cũng như chất lượng của sản phẩm nông nghiệp. Ở Việt Nam, mặc dù nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái cũng đang phát triển rất mạnh mẽ, nhưng theo quan sát riêng, quy mô vẫn còn nhỏ lẻ, tập trung vào một số ít địa phương, còn phần lớn các khu vực nông thôn vẫn đang canh tác theo mô hình nông nghiệp thuần túy.

Một kinh nghiệm khác đó là, các cấp lãnh đạo Trung Quốc đã thông qua nhiều biện pháp để chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn, giúp người nông dân có được nhiều nguồn thu, giải quyết hiệu quả vấn đề thu nhập thấp của nông dân.

“Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của Trung Quốc, tăng cường đổi mới khoa học - kỹ thuật trong nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái, tạo nhiều cơ hội việc làm hơn và tăng cường các nguồn thu cho nông dân,” nữ học giả chỉ ra, bài học ở đây là cần gắn kết phát triển nông nghiệp với công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ để kéo dài chuỗi giá trị và gia tăng giá trị cho ngành nông nghiệp, đồng thời tạo dựng khu vực nông thôn phát triển đồng bộ, toàn diện.

Điều này sẽ không chỉ tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển, mà còn tạo ra khu vực nông thôn với cơ cấu việc làm đa dạng; người lao động có thể ly nông mà không cần ly hương. Để thực hiện giải pháp này, cần có một cách tiếp cận tổng thể trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở cấp quốc gia và ở các địa phương; cần sự phối hợp chặt chẽ và liên kết trong phát triển các ngành, lĩnh vực ở từng địa phương và giữa các địa phương.